Đông Sơn - "mảnh đất vàng để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn
Nơi
đây còn có rất nhiều di tích lịch sử, hang động, hồ nước nên thơ. Đặc biệt,
những năm qua, vùng này đã hình thành nên hàng loạt các trang trại, gia trại
trồng hoa, cây cảnh, nuôi con đặc sản… Nhiều người nhận định, Đông Sơn chính là
"mảnh đất vàng" để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nông
thôn.
Trở
lại Đông Sơn sau 1-2 năm mà nơi đây đã đổi khác quá nhiều, mảnh đất hoang vu
xưa giờ đã được người dân quây khu biến thành các vườn đào, vườn hồng rực rỡ,
những đồi chè xanh bạt ngàn và cả các vườn cây ăn quả đang vào mùa thu hoạch,
nào bưởi Diễn, cam canh…
Nhưng
đặc sắc nhất ở vùng này phải là các trang trại nuôi con đặc sản rộng cả chục
ha, bao quanh toàn bộ là núi, gần như biệt lập với thế giới bên ngoài.
Trang
trại của ông Trịnh Văn Tiến ở thôn 12 là một điểm đến như thế. ấn tượng đầu
tiên với tôi là màn trình diễn gọi hươu của ông chủ, chỉ với hai mảnh luồng gõ
vào nhau kết hợp với tiếng gọi "lộc, lộc" mà bỗng dưng từ đâu hàng
trăm con dê, hươu, nai, ngựa ùn ùn từ trên núi kéo về.
Hồ
nước trong veo in bóng núi, xa xa là những cồn đất với rặng cây rừng khẳng
khiu, đàn hươu, nai nhẹ nhàng bước tới, cúi đầu uống nước rồi ngơ ngác ngước
nhìn. Cảnh sắc ấy đẹp đến nao lòng.
Ông
Tiến - chủ trang trại chia sẻ: Năm 2002, ông bắt tay vào nuôi con đặc sản. Ban
đầu chỉ vài chục con thôi, nhưng do các con nuôi này đều được chăn thả hoang
dã, chất lượng thịt thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng nên số lượng đàn
cứ thế tăng dần lên để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Từ
con nuôi đặc sản, mỗi năm ông Tiến thu về cả chục tỷ đồng, nhưng không dừng ở
đó, gia đình ông Tiến còn đang tính đến chuyện làm thêm dịch vụ du lịch trải
nghiệm. Ông Tiến cho biết: Hươu, nai vốn là động vật hoang dã nhưng với bí
quyết riêng, ông đã khiến chúng trở nên thân thiện, gần gũi hơn với con người.
Chính
nét độc đáo này sẽ là cơ sở để hút khách thăm quan. Mọi người đến đây sẽ được
ngắm cảnh, câu cá, chụp ảnh cùng những chú dê con, hươu con. Và dừa, bưởi da
xanh, thủy sản, các con nuôi đặc sản… được đưa lên bàn ăn ngay tại chỗ sẽ tươi
ngon và có giá cao hơn nhiều lần so với việc mang ra ngoài chợ.
Liền
kề trang trại nhà ông Tiến là trang trại của anh Trịnh Văn Đàm, đây thực chất
cũng là một thung lũng, bao quanh bởi núi đá. Điểm khác biệt là khu này có một
hang động rất đẹp, người dân trong vùng gọi là động Thung Hiên. Lòng động rộng
tới 600-700 m2 với nhiều nhũ đá lấp lánh với các hình thù khác lạ.
Hiện
nay, anh Đàm đang tiến hành cải tạo, kè lại ao hồ, trồng hoa xung quanh, đồng
thời làm bậc lên động và lắp đặt hệ thống điện. Trang trại của anh Đàm hứa hẹn
cũng sẽ trở thành khu du lịch sinh thái cộng đồng hấp dẫn trong nay mai.
Đến
với Đông Sơn không thể không ghé qua trang trại cây ăn quả của cô Lê Thị Thiểm
với hàng chục chủng loại cây ăn quả khác nhau, mùa nào thức ấy, mùa xuân có ổi,
đu đủ; mùa hè có nhãn, vải, mít; mùa thu có na, có hồng xiêm,
táo...
Đặc
biệt, vào thời điểm giáp Tết, nơi đây trở thành thiên đường để các bạn trẻ chụp
ảnh, check in bên những cây cam, cây bưởi trĩu quả và tìm hiểu quy trình sản
xuất, thảnh thơi thưởng thức những trái cây ngọt thơm, mọng nước.
Bên
cạnh các loại hình trang trại trên địa bàn xã Đông Sơn còn có di tích Phòng
tuyến Tam Điệp - là nơi ghi dấu cuộc chiến tranh giữa nghĩa quân Tây Sơn và
quân Thanh với lũy Quèn Thờ, lũy Quang Trung, đền Quèn Thờ gắn với danh thắng
động Trà Tu, hồ Yên Thắng, hồ Mừng, hồ Đoòng Đèn.
Nhiều
chuyên gia nhận định, Đông Sơn chính là "mảnh đất vàng" để phát triển
du lịch, nhất là loại hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn. Thực tế,
các trang trại, gia trại ở Đông Sơn mới manh nha ý tưởng làm du lịch nông
nghiệp, chưa xây dựng các tour, tuyến, chương trình thăm quan cụ thể, chưa thu
vé nhưng tiếng lành đồn xa, nhiều người đã tìm đến đây thăm quan, học
tập.
Chị
Nguyễn Thị Phượng (Tổ 8, phường Bắc Sơn, thành phố Tam Điệp) cho biết: Tôi đến
đây thông qua một người bạn giới thiệu, không gian rộng rãi, không khí trong
lành, rất thích hợp để các bạn nhỏ vui chơi, trải nghiệm, biết thực tế quá
trình trồng trọt, chăn nuôi của người nông dân như thế nào.
Mặc
dù bước đầu đã tạo được ấn tượng, song hoạt động du lịch ở Đông Sơn mới là tự
phát, quy mô nhỏ lẻ, sản phẩm còn đơn điệu, chưa được đầu tư có quy mô lớn, cơ
sở vật chất kỹ thuật du lịch thiếu đồng bộ. Sản phẩm du lịch nông thôn chỉ đáp
ứng nhu cầu tham quan, ăn nghỉ của khách ở mức đơn giản.
Để
đánh thức tiềm năng du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Đông Sơn phát triển xứng
tầm, thiết nghĩ, địa phương cần có quy hoạch, kế hoạch phát triển phù hợp với
thế mạnh để thu hút đầu tư. Có chính sách hỗ trợ cho khu vực nông thôn có ưu thế
để phát triển du lịch, trong đó, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo dựng cảnh
quan sạch đẹp, môi trường trong lành; giữ gìn giá trị văn hóa truyền
thống.
Đồng
thời, tăng cường xúc tiến, quảng bá, liên kết phát triển du lịch, nâng cao chất
lượng nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nông thôn. Ngoài ra, để phát triển
du lịch nông nghiệp chắc chắn không thể thiếu được vai trò của doanh nghiệp lữ
hành bởi họ sẽ góp phần không nhỏ tạo ra sản phẩm du lịch nông nghiệp mới lạ,
có sức hút.
Mới
đây, HTX nông sản và du lịch Tam Điệp cũng đã được thành lập với 9 thành viên.
Bên cạnh việc sản xuất, trồng cây ăn quả, rau màu, dược liệu, lâm nghiệp, cây
cảnh, nuôi con đặc sản, thủy sản; kinh doanh nhà hàng ăn uống, HTX đang hướng
tới việc phát triển các dịch vụ du lịch trải nghiệm đi kèm.
Một
số thành viên đang đầu tư xây dựng bể bơi, sân bóng, nhà hàng, nhà lưới trồng
rau công nghệ cao, vườn thú… và các công trình phụ trợ khác. Dự kiến năm 2021
này sẽ đưa vào khai thác phục vụ du khách. Như vậy, Đông Sơn hứa hẹn sẽ sớm trở
thành một khu du lịch cộng đồng trải nghiệm thú vị, điểm đến yêu thích của du
khách khi đến Ninh Bình nói chung và thành phố Tam Điệp nói riêng.